Triển lãm mini “Big Cats of Asia” - nghệ sĩ Đào Huy Hoàng

Thời gian trưng bày: 20/12/2022 - 6/2/2023

“Big Cats of Asia” (Mèo to của châu Á) là tập hợp các tác phẩm sáng tác về họ nhà mèo của nghệ sĩ Đào Huy Hoàng trong ba năm 2020-2022, lấy cảm hứng từ tranh dân gian nhiều nước đồng văn châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Thái Lan… Họ nhà mèo vốn là biểu tượng đặc biệt trong văn hoá Á Đông, vừa là thần vừa là vật, vừa thiện vừa ác, vừa thông minh vừa ngốc nghếch… vì vậy thông qua tranh họ nhà mèo nghệ sĩ dân gian muốn gửi gắm phảng phất nhiều triết lý nhân sinh về con người.

Xin mời mọi người đến thưởng thức cà phê và ngắm các bức tranh về họ nhà mèo tại Gà Phê, 20 ngõ 7 Thái Hà - địa điểm triển lãm solo đầu tay của Đào Huy Hoàng năm 2019, “Những con chữ thẳng hàng”. Triển lãm bắt đầu từ 20/12/2022 và kết thúc sau rằm tháng Giêng 2023.


POSTCARD

Đặt mua postcard A6 online tại Ra Riêng Prints: Facebook hoặc Instagram hoặc Shopee

Mua trực tiếp tại cửa hàng:

  • Gà Phê, 20 ngõ 7 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

  • Ra Riêng Prints, Complex 01, số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội


Danh sách tác phẩm triển lãm

Hộ Hổ - 180,000,000 VND

Mực nho, vàng và màu Son trên giấy sắc phong

Hộ Hổ mang hàm nghĩa thần bảo vệ trong văn hoá Á Đông, thể hiện bằng màu mực nho và màu Son trên giấy sắc phong - loại giấy quý hiếm được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó và nhuộm màu kim hoàng từ nghệ. Đằng sau con hổ là trích đoạn bài thơ "The Tyger" của William Blake.

"Dogs own space, and cats own time" - 12,000,000 VND

Màu và mực trên giấy washi

Màu vàng được sử dụng cho con mèo là màu yamabuki - màu của hoạ lệ đường, hay hoàng độ mai, trên giấy thuỷ ấn suminagashi. Màu vàng pha thêm gum arabic để được hiệu ứng trong trong hoà vào giấy làm thành vằn lông. Yamabuki thường được dùng để ta phong cảnh mùa xuân trong nghệ thuật Nhật Bản, một phép ẩn dụ thi ca về cảm xúc giao mùa.

Sự tinh tế của màu sắc đối lập với khuôn mặt tham lam của con mèo trong tranh Đông Hồ có vẻ như con mèo đang nói câu trên bằng một giọng rất bất cần đời.

Neko no toshi - Năm Mèo - 7,000,000 VND

Một bức vẽ giản đơn chỉ với 2 màu: màu yamabodu (nho dại trên núi) và màu mizuiro (màu xanh của nước) là sự đối lập của núi và biển, hoàn quyện trong một bức vẽ có phần ngây ngô như tranh vẽ của trẻ con.

Hổ Tây Tạng - 14,000,000 VND

Màu trắng trên giấy dó quết sơn ta

Hình ảnh con hổ được sử dụng rất phổ biến trong văn hoá Tây Tạng, thường là dệt trên thảm hoặc sơn trên cửa để xua đuổi tà ma. Khuôn mặt dữ dằn của con hổ cũng là lời nhắc nhở gia chủ nhìn vào bản thân mình để hành thiện, trừ ác.

Hổ mọc thêm cánh - 32,000,000 VND

Màu, bạc và đồng thau trên giấy cotton

“Hổ” và “Hộ” trong tiếng Hán có phát âm gần giống nhau, “hộ” nghĩa là bảo vệ. Vì vậy hình tượng con Hổ được sử dụng rộng rãi trong văn hoá Á Đông.

Dưới thời nhà Thanh, “Phi Hổ” được thêu trên cờ của quân đội Bát Kỳ, làm cờ tiền phương trong mỗi trận chiến. Ngoài ra cờ thêu hình hổ còn được phân loại màu để cắm trên 4 cổng đông - tây - nam - bắc quanh doanh trại của hoàng đế với ngụ ý bảo vệ.

Con hổ ngốc nghếch - 4,000,000 VND

Mực nho trên giấy cotton

Bán đảo Triều Tiên trước được coi là vùng đất của hổ, chúng thường mò vào làng để săn mồi và làm hại con người. Trong tranh dân gian Minhwa, con hổ được vẽ theo lối trào phúng, hài hước và có phần ngốc nghếch một cách có chủ đích để làm giảm nỗi sợ của con người tới loài vật này, sâu sa hơn là khuyến khích con người đối diện với cái xấu, cái ác.

Mèo săn mồi trên vân mây đao mác - 36,000,000 VND

Màu và vàng lá trên giấy màu nước

Con mèo được dát vàng nổi và vân mây dát vàng chìm để tạp hiệu ứng sống động trên màu nền xanh patina. Vân mây đao mác được sử dụng rất nhiều trong điêu khắc thời Lê Trung Hưng.

Con hổ trên khung cửa - 36,000,000 VND

Màu và vàng lá trên giấy màu nước

Tác phẩm lấy cảm hứng từ chạm khắc hổ trên ô thoáng cửa bằng gỗ, thế kỷ 17 - một hình tượng rất đặc sắc với tai vểnh, râu dài giống con lân cùng với móng vuốt và lông lượn mây vân. Bao quanh con hổ là kỹ thuật dát vàng cầu kì và khắc trên vàng để được hiệu ứng sống động.

Mèo và chim - 12,000,000 VND

Màu trên giấy dướng

Mèo và chim là một biểu tượng phổ biến trong tranh dân gian Đông Á. Con mèo ở đây đôi khi được thay thế bằng con hổ hay báo. Con chim như đang trêu trọc con mèo vì biết rằng nó đang ở trên cao, nhưng ngờ đâu loài mèo rất nhanh nhẹn và khéo léo, con chim không biết mối nguy hiểm đang cận kề.

Lối vẽ "công bút hoa điểu" cực kì tối giản, nguệch ngoạc nhưng vừa đủ để kể câu chuyện.

Báo Gấm - 28,000,000 VND

Màu gouchace trên giấy dó nhuộm cậy

Báo Gấm được coi là loại vật thần bí và linh thiêng, biểu tượng của thiện - ác trong chính một con người. Báo là kẻ dẫn đầu trong những loài dã thú chốn rừng sâu, mềm dẻo và kiên nhẫn. Nhiều nền văn hoá gọi Báo là "Quỷ Đốm", những kẻ tham lam liều lĩnh, độc ác và nguy hiểm.

Mèo bắt chuột - 32,000,000 VND

Màu và vàng trên giấy cotton Himalaya

Vẽ lại dựa trên tranh khắc gỗ "Mèo bắt chuột" của Trung Quốc - một bản tính tự nhiên của con mèo được nuôi để bảo vệ mùa màng, bảo về nhà gia chủ khỏi loài gặm nhấm phá hoại.

Baagh - 24,000,000 VND

Màu và vàng lá trên giấy dó

"Baagh" trong tiếng Hindi có nghĩa là Hổ. Khu vực Nam Á là nơi phân bổ nhiều loài hổ nhất trên thế giới và từ lâu hổ đã hiện diện rõ rệt trong văn hoá. Hổ là vật cưỡi của nhiều vị thần trong đạo Hindu, Phật giáo, và nhiều vương triều Ấn Độ, Bangladesh... Hổ, cùng với khỉ và hươu là biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng.

Con mèo màu hồng - 8,000,000 VND

Màu nước và chì màu trên giấy

Con mèo hồng, kì quặc và vui vẻ được thể hiện tối giản nhất như thể đang vui vẻ chạy nhảy, dạo chơi với khuôn mặt cau có thường thấy.

Đồ chơi của loài mèo - 36,000,000 VND

Màu gouache trên giấy sắc phong dát vàng

Sự đối lập của vàng và gián: một bên là giàu có, ăn chơi xa xỉ, biểu tượng của may mắn; một bên là loài vật bẩn thỉu, hèn mọn, biểu tượng của những điều xấu xí. Mèo nhà thường săn gián như một thú chơi, ví như xua đuổi điềm xấu cho gia chủ.

Nhị Hoàng Hổ - 18,000,000 VND

Màu trên giấy nhuộm điều

Có câu "Hổ không đi thành bầy". Thường thì con hổ chỉ xuất hiện đơn độc trong tranh châu Á. Ở đây con hổ có đôi có cặp nhưng mặt hướng về hai hướng khác nhau, ý chỉ sự ghen ghét không thích đứng chung một đường, nhưng vẫn phải chấp nhận sự sắp xếp có trên có dưới của người đời nhìn vào.

Mèo liếm chân - 4,000,000 VND

Mực loang trên giấy cotton

Con mèo đang thực hiện thói quen thường ngày, tác phẩm thực hiện theo lối vẽ loang mực tự nhiên như màu lông thật.

Con báo và chiếc giẻ lau - 4,000,000 VND

Màu nước trên giấy kozo

Con báo uy mãnh và quyền lực nay phải làm công việc với chiếc giẻ lau, hàm ý không có việc gì là nhỏ nhoi, không có việc gì là hạ cấp, không có việc gì là không đáng quý.

Miêu Thần - 43,000,000 VND

Bột đồng thau trên giấy đen

"Miêu Thần" ở đây không chỉ rõ là con mèo, hay hổ, hay báo mà thể hiện một cách khái quát họ nhà mèo với sức mạnh bảo vệ con người khỏi tà ma. Hiệu ứng vẽ cách điệu sử dụng vân mây đao mác của thời Lê Trung Hưng kết hợp với hoạ tiết nền "đằng vân" phổ biến thời Nguyễn.

Ngạc nhiên - 8,000,000 VND

Mực trên giấy Kozo

Con vật ở đây không phân biệt là mèo, hổ hay báo; đơn giản là một con vật trong họ nhà mèo với biểu cảm rất sinh động, thể hiện bằng nét vẽ nhanh, nguệch ngoạc có chủ ý dựa trên tranh khắc gỗ của Hàn Quốc (Minhwa).